AMM 57: Vì NHữNG KHáT VọNG ‘đườNG DàI’

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM 57) và các hội nghị liên quan tại Vientiane, Lào (24-27/7) có ý nghĩa quan trọng, nhìn lại những gì đã đạt được và triển khai các sáng kiến đưa “đoàn tàu” ASEAN 2024 cán đích.

Trung tâm báo chí quốc tế tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Lào, ngày 23/7. (Nguồn: Kyodo News)

Chỉ hai tuần nữa, ASEAN bước sang tuổi 57, độ đủ “chín” để ấp ủ những khát vọng đường dài. Tinh thần của AMM 57 cũng như cả hành trình ASEAN 2024 - “Thúc đẩy kết nối và tự cường” đã nói lên điều đó.

Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp AMM 57 lần này, mang theo đó là thông điệp của Lãnh đạo cấp cao, rằng ASEAN là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Từ tâm, Việt Nam luôn mong muốn một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, luôn trăn trở làm sao để có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của “ngôi nhà chung”. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ nước Chủ tịch Lào, đóng góp vào thành công chung của kỳ AMM 57 cũng như cả năm ASEAN 2024.

Tiếp đà chín ưu tiên

Với chủ đề “thúc đẩy kết nối và tự cường”, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nước Chủ tịch Lào đã xác định chín ưu tiên, trong đó, có bốn ưu tiên về tăng cường kết nối ASEAN và năm ưu tiên về tự cường ASEAN.

Bốn ưu tiên về tăng cường kết nối gồm: hội nhập và kết nối kinh tế, xây dựng tương lai toàn diện và bền vững, chuyển đổi số, văn hóa - nghệ thuật; Năm ưu tiên về tự cường gồm: xây dựng chiến lược tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác về môi trường, phụ nữ - trẻ em và y tế.

Thời gian qua, với nỗ lực và tâm huyết của nước Chủ tịch Lào, những trọng tâm, ưu tiên xác định từ đầu năm được từng bước được hiện thực hóa ở tất cả các kênh hợp tác. Lào đã và đang cùng các nước thành viên đẩy mạnh hợp tác cả ba trụ cột của Cộng đồng; xác định chỉ có gắn kết, tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và các nước đối tác, đối thoại mới có thể giải quyết được những thách thức hiện tại và mới nổi một cách hiệu quả…

Những nội hàm về “kết nối” và “tự cường” tiếp tục được lật giở và là một trong những điểm nhấn quan trọng của kỳ họp AMM 57 lần này, đưa tinh thần một ASEAN kết nối và tự cường lên cao độ.

Ngày 24/7, Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN ra Tuyên bố chung chia buồn về việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần vào ngày 19/7/2024, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN sát cánh cùng Việt Nam trước tổn thất và đau thương to lớn này. Đáp lại sự chia sẻ từ đại diện các nước, thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trân trọng cảm ơn sự chia sẻ và cảm thông của các nước trong thời khắc đau buồn này.

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) cho rằng trong những thập niên đầu tồn tại, các thế hệ đi trước đã sớm định hình tầm nhìn chiến lược về một ASEAN gắn kết, phát triển năng động, là hạt nhân của hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Tầm nhìn này đã toát lên tinh thần chung về kết nối và tự cường của ASEAN. Tuy nhiên, “kết nối” và “tự cường” ngày nay mang những sắc thái mới.

“Kết nối” là kết nối chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế, kết nối trong kỷ nguyên số và kết nối thông qua văn hóa nghệ thuật. “Tự cường” là tự cường về y tế, môi trường và khí hậu để đáp ứng những quan tâm hiện nay, tự cường trước các cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai…

Lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN tính “đường dài” với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, thể hiện những khát vọng lớn hơn, xa hơn và sức sống mới của Cộng đồng trong 20 năm tới. Chính vì thế, quá trình xây dựng chiến lược tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được khởi tạo trong năm ASEAN 2023 và tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ trong năm ASEAN 2024. Kỳ AMM 57 lần này là dịp quan trọng để ASEAN “tăng tốc” mảng việc này trong bối cảnh ASEAN sắp hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và các đại biểu tại phiên họp Ban Điều hành SEANWFZ, ngày 23/7. (Nguồn: TTXVN)

“Tự cường” theo nghĩa rộng

Vai trò trung tâm trong nhiều năm qua được đánh giá là chỉ dấu định vị ASEAN. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ASEAN cần đoàn kết hơn để khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó đối thoại đàm phán theo tinh thần “cùng thắng” phải được thúc đẩy. Các hội nghị liên quan trong khuôn khổ AMM 57 một lần nữa củng cố tinh thần đó.

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, kỳ Hội nghị AMM 57 tiếp cận rộng hơn khái niệm “tự cường”. Trong thế giới biến đổi không ngừng, làm thế nào để ASEAN nâng cao tự cường và tự chủ chiến lược là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Do đó, các vấn đề như Biển Đông, Myanmar hay Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine, các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tiếp tục được đặt trên bàn nghị sự của các Bộ trưởng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Rõ ràng, trước những vấn đề mang tầm khu vực và quốc tế, tác động tới không riêng một quốc gia nào, sẽ có khả năng xảy ra quan ngại, khác biệt, trao đổi, tranh luận song điều cốt lõi là ASEAN tiếp tục khẳng định bản lĩnh, củng cố lập trường nguyên tắc cân bằng, khách quan cũng như vai trò trung tâm của mình, được các đối tác tôn trọng và ủng hộ, cùng nhau nỗ lực và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững, điều mà nhiều quan chức, học giả khẳng định ASEAN đã làm tốt thời gian qua.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự họp.

Nguồn cổ vũ với nước Chủ tịch

Xuyên suốt gần ba thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn những điều trọn vẹn và tốt đẹp nhất cho ASEAN, đồng thời nỗ lực hết mình đóng góp cho sự phát triển chung của Hiệp hội. Việc tổ chức thành công sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng Tư là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm đó.

Với kỳ AMM 57 lần này, Việt Nam chủ động tham gia chuẩn bị ngay từ những ngày đầu và tham dự các Hội nghị với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trọng trách trên vai đoàn Việt Nam là dung hòa khác biệt và hài hòa lợi ích, nhấn mạnh rằng đoàn kết là “gốc vững” cho sự phát triển của ASEAN; góp phần triển khai thành công nghị sự kết nối; tiếp tục cùng các nước định hình tương lai ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm như đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Đặc biệt, sự nhiệt tình của Việt Nam đối với các chương trình nghị sự ASEAN 2024 nói chung và AMM 57 nói riêng còn là nguồn cổ vũ đối với nước Chủ tịch Lào - “người anh em” với truyền thống chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.

Việc Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024 được khẳng định mạnh mẽ trong chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm cách đây hai tuần. Việt Nam đã có những hỗ trợ kịp thời và thiết thực. Theo đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào 1 triệu USD và 20 xe ô tô điện Vinfast; Bộ Công an Việt Nam tặng Bộ Công an Lào 20 xe ô tô và 30 mô-tô...

Ngay sau khi nhận búa Chủ tịch luân phiên từ Chủ tịch ASEAN 2023, Lào đã lên kế hoạch bài bản cho lần thứ ba đảm nhiệm trọng trách quan trọng này. Chủ đề thời sự, lộ trình chi tiết không chỉ cho thấy tinh thần trách nhiệm, chủ động của Lào đối với công việc chung của Hiệp hội mà còn phản án khát vọng thực hiện hóa chiến lược của Đảng, Chính phủ Lào trong việc biến nước này từ quốc gia không có biển thành quốc gia kết nối khu vực. Không chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng cho AMM 57, Lào còn đang tích cực hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN 44-45...

* * *

Hội nghị AMM 57 khai mạc chỉ vài ngày sau khi Việt Nam trải qua một mất mát vô cùng to lớn. Trong hoạt động đầu tiên của Hội nghị, các nước đã dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN ra Tuyên bố chung, gửi lời chia buồn tới gia đình và người thân của Tổng Bí thư, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam...

Đoàn Việt Nam đến với AMM 57 lần này mang theo những tư tưởng về đối ngoại của Tổng Bí thư với người anh em Lào nói riêng và với ASEAN nói chung. Trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đậm dấu ấn của Tổng Bí thư luôn là kim chỉ nam trong mỗi hoạt động đối ngoại.

Tại AMM 57, Lào cùng với Malaysia (Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ tiếp theo) chủ trì dự thảo Kế hoạch chiến lược nhằm tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Australia, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 31...

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-27T02:14:55Z dg43tfdfdgfd