KHOA HọC GIảI Mã CáC HIệN TượNG Dị THườNG - Kỳ 9: KHI KHOA HọC PHảN BIệN SIêU NHIêN

Khoảng 85% dân số thế giới theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, như vậy có nhiều tỉ người tin vào sự tồn tại của siêu nhiên.

Khoa học không thể chứng minh thế giới siêu nhiên, nhưng điều khoa học có thể làm là cung cấp những giải thích tự nhiên cho các hiện tượng siêu nhiên bí ẩn.

Người tiên phong nghiên cứu khoa học các hiện tượng dị thường

Vào thế kỷ 19, các buổi lên đồng là xu hướng thịnh hành trong tầng lớp giàu có ở Âu Mỹ. Lúc bấy giờ, một số nhà khoa học đã bắt đầu tìm hiểu các hiện tượng dị thường với thái độ dè dặt. Phải đến thế kỷ 20, nghiên cứu khoa học về các hiện tượng dị thường mới phát triển mạnh hơn.

Theo trang Science and Media Museum (Anh), vào năm 1926, nhà điều tra tâm linh Harry Price (Anh) đã thành lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu tâm linh quốc gia (NLPR) ở London nhằm giải đáp câu hỏi: Khoa học có thể giải thích các hiện tượng dị thường hay không?

  • Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 1: Những vụ cháy bí ẩn ở làng Canneto

  • Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 2: Bí mật ngôi nhà bị hồn ma quấy rối

  • Khoa học giải mã các hiện tượng dị thường - kỳ 3: Vạch mặt trò 'dùng ý nghĩ điều khiển đồ vật'

Đến năm 1930, nhà tâm lý học William McDougall ở Đại học Duke (Mỹ) đã mời TS Joseph Banks Rhine và vợ ông -TS Louisa - thành lập phòng thí nghiệm cận tâm lý trong Đại học Duke. J.B. Rhine được xem là người đi tiên phong và cách mạng hóa nghiên cứu khoa học về các hiện tượng dị thường.

J.B. Rhine (1895-1980) chào đời tại bang Pennsylvania (Mỹ). Từ hồi còn trẻ, ông đã quan tâm đến tâm lý học và cận tâm lý học. Ông theo học tại Đại học Chicago, sau đó lấy bằng tiến sĩ thực vật học. Và rồi vì niềm đam mê đối với những khía cạnh bí ẩn của tâm trí con người, ông chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực cận tâm lý học.

Mục tiêu xây dựng phòng thí nghiệm cận tâm lý của ông là áp dụng các phương pháp khoa học nghiêm ngặt để khám phá sự tồn tại và bản chất của các hiện tượng dị thường, từ nhận thức ngoại cảm (ESP), thần giao cách cảm đến khả năng dùng suy nghĩ điều khiển đồ vật từ xa (viễn di sinh học).

Thông qua các thí nghiệm và điều tra có kiểm soát, ông muốn làm sáng tỏ những bí ẩn trong tâm trí con người và khám phá tiềm năng về những năng lực đặc biệt của con người.

Các thí nghiệm của ông về bộ bài Zener (người chơi đoán các ký hiệu trên lá bài) cho thấy khả năng thần giao cách cảm có thể có ý nghĩa về mặt thống kê. Các thí nghiệm về viễn di sinh học cho ra nhiều kết quả mâu thuẫn nhau, nhưng ông cho rằng các thí nghiệm ấy vẫn cung cấp một số bằng chứng nhất định về tác động của tâm trí đối với vật chất.

Ông khẳng định hiện tượng hồn ma quấy rối (poltergeist) có liên quan đến những rối loạn thể chất không giải thích được. Một vụ đáng chú ý trong sự nghiệp của ông là điều tra ngôi nhà ma ám nổi tiếng của gia đình Bell ở Robertson (bang Tennessee).

Một vụ nổi tiếng khác là điều tra một trường hợp được cho là bị quỷ ám. Vụ này đã truyền cảm hứng cho ra đời tiểu thuyết Quỷ ám của nhà văn Mỹ William Peter Blatty (xuất bản năm 1971) và bộ phim chuyển thể cùng tên được công chiếu ở Mỹ vào năm 1973.

Các thí nghiệm của TS J.B. Rhine đã không mang lại kết quả nghiên cứu như mong đợi. Hiện nay, phòng thí nghiệm này vẫn hoạt động với tên gọi Trung tâm nghiên cứu Rhine và không còn liên kết với Đại học Duke nữa.

Những giải thích về các hiện tượng dị thường

Duke không phải là đại học danh tiếng duy nhất có phòng thí nghiệm riêng nghiên cứu các hiện tượng dị thường. Trang web OpenMind (Tây Ban Nha) nhận định những năm 1960 và 1970 là thời kỳ hoàng kim đối với nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Các trường đại học danh tiếng ở Anh, châu Âu và Mỹ đều thành lập phòng thí nghiệm về tâm linh.

Tại Đại học California ở Los Angeles, TS tâm lý học Thelma Moss đã điều hành một phòng thí nghiệm tương tự từ năm 1968-1978. Đại học Stanford cũng có phòng thí nghiệm riêng như vậy. Thậm chí tạp chí khoa học Nature danh giá ở Anh đã đăng bài điều tra về kiểm tra năng lực ngoại cảm của Uri Geller (người Israel) cùng bài xã luận giải thích vì sao đăng bài này.

Đến nay, cho dù vai trò của nghiên cứu khoa học các hiện tượng dị thường vẫn còn mờ nhạt và thiếu kết quả nghiên cứu đáng thuyết phục, khoa học đã tìm ra một số giải thích thông thường để giải thích các hiện tượng dị thường.

- Lừa đảo hoặc ám thị: Các hiện tượng dị thường có thể được chia làm hai loại gồm lừa đảo hoặc ám thị. Đối với trường hợp lừa đảo, những người được mệnh danh là "người lật tẩy bọn lừa đảo" như ảo thuật gia James Randi đã vạch trần chân tướng không ít người. Dù vậy, tâm trí con người có thể giữ vai trò ám thị nào đó.

Nhiều nghiên cứu cho thấy du khách tới một nơi bí ẩn thường có nhiều khả năng nhận ra điều kỳ lạ xảy ra hơn người khác nếu trước đó họ nghe nói ngôi nhà đó đã bị ma ám. Những người tin có ma thường có xu hướng cho rằng cái bàn đã dịch chuyển trong buổi lên đồng nếu pháp sư hay nhà ngoại cảm nói trước cho họ biết cái bàn đó đã từng dịch chuyển.

- Đặc điểm tâm thần và mức độ nhạy cảm tâm linh: Các trường hợp ma quỷ hiện hình hoặc nghe giọng nói lạ xuất phát từ ảo giác. Số liệu thống kê cho thấy 3% số người đã trải qua ít nhất một thời kỳ rối loạn tâm thần có thể có nhận thức về thị giác hoặc thính giác sai lệch, kể cả về xúc giác.

Ví dụ vào năm 2021, một nghiên cứu của Đại học Leicester (Anh) với nhóm bệnh nhân loạn thần đã phát hiện ngoài giọng nói và hình ảnh lệch lạc, họ thường trải qua cảm giác sờ chạm, cảm thấy nóng, căng thẳng hoặc đau đớn. Những trường hợp này có thể được cho là bàn tay của hồn ma.

Vào năm 2020, một nghiên cứu khác ghi nhận những người tự nhận mình là nhà ngoại cảm thường biểu hiện một đặc điểm tính cách gọi là tính cách hấp thụ. Đây là xu hướng đắm chìm trong tưởng tượng hoặc trạng thái ý thức bị thay đổi. Điều này có thể do họ coi trải nghiệm của họ có yếu tố tâm linh chứ không liên quan đến chứng rối loạn tâm thần.

- Ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài: Phải kể đến các trường hợp rối loạn như bị ma đè hay bóng đè trong khi ngủ. Trường hợp này thường liên quan đến ảo giác, và tùy theo nền văn hóa, được giải thích là do ma ám hoặc người ngoài hành tinh bắt cóc.

Ngoài ra, người bị ngộ độc carbon monoxide (khí CO) hoặc tiếp xúc với bào tử của một số loại nấm thường mọc trong nhà bỏ hoang hoặc trên sách cũ cũng có thể phát sinh ảo giác gặp ma quỷ. Một số thí nghiệm cho thấy các kích thích vật lý như sóng hạ âm hoặc trường điện từ cũng có thể gây ảo giác ma quái.

Tóm lại, khoa học không thiếu những lời giải thích cho các hiện tượng dị thường. Tất nhiên tin hay không còn tùy mỗi người, vì chính phe có niềm tin siêu nhiên cũng như giới khoa học đến giờ vẫn đang trên đường đi tìm câu trả lời.

Đối với những người không hề có dấu hiệu chẩn đoán rối loạn tâm thần nào, ảo giác vẫn có thể xuất hiện ngẫu nhiên vì nhiều nguyên nhân như giác quan bị kích thích quá mức hoặc dưới mức, nghe âm thanh cứ lặp đi lặp lại như tiếng kêu máy giặt.

Trong trường hợp người thân qua đời, ảo giác thường liên quan đến sự hiện diện của người khuất mày khuất mặt.

---------------------------

Nếu có linh hồn thật, nhất là khi người ta tin những người chết oan ức sẽ là hồn ma linh thiêng, vậy tại sao đến giờ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines vẫn chìm trong mất tích bí ẩn? Tại sao các nhà ngoại cảm vẫn chưa thể vén bí mật 239 linh hồn hành khách trên chuyến bay định mệnh này?

Kỳ cuối: Những câu hỏi tại sao với hồn ma

Đọc bài gốc tại đây.

2024-07-26T09:37:41Z dg43tfdfdgfd